Site menu
Phương pháp dạy học toán cho học sinh trung bình
***
Một trong những hoạt động cơ bản của học sinh trong học tập môn toán ở trường phổ thông là hoạt động giải toán. Đây là hoạt động phức tạp bao gồm nhiều thành tố tham gia, mà lâu nay đã được các chuyên gia trong lĩnh vực phương pháp dạy học nghiên cứu và chỉ rõ. Thực tiễn dạy học lâu nay ở nước ta, theo nội dung, chương trình và SGK đã ban hành, hoạt động học và giải toán của học sinh đối tượng trung bình cơ bản diễn ra theo trình tự: quan sát, tiếp thu kiến thức; làm bài có sự hướng dẫn; tự làm theo mẫu; độc lập làm bài, tuân theo quá trình nhận thức chung là đi từ Algôrit đến Ơritstic. Để thích ứng với quá trình học tập đó của đa số học sinh, kinh nghiệm của giáo viên dạy giỏi cho thấy, quá trình dạy cũng phải được tiến hành theo 4 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: Quan sát, tiếp thu
Giáo viên giúp học sinh nắm kiến thức cơ bản, tối thiểu, cần thiết. · Giáo viên cần kết hợp vừa giảng vừa luyện, phân tích chi tiết, cụ thể, giúp học sinh hiểu khái niệm không hình thức. · Đồng thời với cung cấp kiến thức mới là củng cố khắc sâu thông qua ví dụ và phản ví dụ. Chú ý phân tích các sai lầm thường gặp. · Tổng kết tri thức và các tri thức phương pháp có trong bài. Đây là giai đoạn khó khăn nhất, giai đoạn làm quen tiến tới hiểu kiến thức mới, đồng thời là giai đoạn quan trọng nhất, giai đoạn cung cấp kiến thức chuẩn cho học sinh. Kinh nghiệm cho thấy khi hoàn thành tốt giai đoạn này học sinh sẽ tiếp thu tốt hơn ở các giai đoạn sau.
Giai đoạn 2: Làm theo hướng dẫn
Giáo viên cho ví dụ tương tự học sinh bước đầu làm theo hướng dẫn, chỉ đạo của giáo viên. Học sinh bước đầu vận dụng hiểu biết của mình vào giải toán. Giai đoạn này thường vẫn còn lúng túng và sai lầm, do học sinh chưa thuộc, chưa hiểu sâu sắc. Tuy nhiên giai đoạn 2 vẫn có tác dụng gợi động cơ cho giai đoạn 3.
Giai đoạn 3: Tự làm theo mẫu
Giáo viên ra một bài tập khác, học sinh tự làm theo mẫu mà giáo viên đã đưa ra ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Giáo viên tạm đứng ngoài cuộc. Ở giai đoạn này học sinh độc lập thao tác. Học sinh nào hiểu bài thì có thể hoàn thành được bài tập, học sinh nào chưa hiểu bài sẽ còn lúng túng. Giáo viên có thể nắm bắt được việc học tập cũng như mức độ hiểu bài của cả lớp và từng cá nhân thông qua giai đoạn này, từ đó đề ra biện pháp thích hợp cho từng đối tượng. Giai đoạn 3 có tác dụng gợi động cơ trung gian. Giáo viên thường vận dụng giai đoạn này khi ra bài tập về nhà.
Giai đoạn 4: Độc lập làm bài tập
Giáo viên nên ra cho học sinh:
· Hoặc là một bài tập tương tự khác để học sinh làm ngay tại lớp.
· Hoặc là bài tập ra về nhà tương tự với bài được học, nhằm rèn luyện kĩ năng. · Hoặc là bài kiểm tra thử. · Hoặc là đề thi của năm học trước, nhằm kích thích học tập bộ môn. Giai đoạn này có tác dụng gợi động cơ kết thúc một nội dung dạy học. Giáo viên thường vận dụng giai đoạn này trong kiểm tra.
Cách dạy học toán theo bốn giai đoạn như trên, tuy chưa thoát ly cách dạy học truyền thống, nhưng đã phần nào tỏ ra có hiệu quả thiết thực đối với SGK đã được biên soạn lâu nay, phù hợp với hình thức dạy học theo tiết (45 phút), phù hợp với trình độ nhận thức của đối tượng học sinh diện đại trà trong học tập môn toán.

Để có thể dạy học theo bốn giai đoạn như trên đòi hỏi giáo viên phải:
· Hiểu sâu sắc kiến thức và các tri thức phương pháp. · Trong soạn bài, giáo viên cần chuẩn bị cả bốn loại bài tập cho 4 giai đoạn, bên cạnh đó còn phải biết phân bậc bài tập cho từng đối tượng học sinh trong lớp. · Và phải biết điều hành các đối tượng học sinh trong một lớp cùng hoạt động bằng cách giao cho mỗi loại đối tượng một dạng bài tập phù hợp với nhận thức của họ, có như thế giờ học mới sinh động và lôi cuốn.
ST
---------------------------
Điều gì tạo nên hình ảnh đẹp của một giáo viên giỏi?

1. Khi giảng bài, người thầy giỏi không tự biến mình thành cái loa phát thanh của sách giáo khoa. Trái lại, họ là người làm "xanh" những trang giáo trình bằng các "cây đời" - minh họa sống động bằng các hình tượng thực tế. Họ làm phong phú những gì ngoài trang sách. Họ đi vào những chiều sâu mà trang sách không nói tới hoặc chỉ nói sơ sài. Họ cũng khêu gợi để học trò biết lật ngược vấn đề và biện luận phải trái.

2. Khi giáo huấn, người thầy giỏi không phải là người "đứng trên đầu" của học trò. Họ không tự coi mình là một tháp ngà trí tuệ hay một đỉnh cao nhận thức. Trái lại, họ luôn coi trọng chủ kiến của học trò và khích lệ trò tìm luận cứ để bảo vệ chủ kiến. Đồng thời, họ còn biết "ghé vai" để làm điểm tựa cho trò bước lên đài nhận thức, làm "bà đỡ" cho trò sản sinh những ý tưởng đặc sắc và làm nên những kết quả sáng tạo.

3. Khi giao tiếp ở trên lớp và cả ngoài đời, người thầy giỏi vừa là người thầy tốt luôn đặt sự tôn trọng nhân cách của học trò lên hàng đầu. Trước những sơ sót (thậm chí sai lầm tệ hại) của học trò, họ không bao giờ dùng lời lẽ xúc phạm hoặc thái độ khinh rẽ. Trái lại, họ luôn lấy những gương sáng của học trò ngoan để thuyết phục học trò chưa ngoan, cũng thầm lặng lấy nhân cách của chính mình để cảm hóa học trò. Nhiều bậc thầy tự nhủ lòng với quan niệm : Không có học trò kém, chỉ có người thầy dở.

oOo

Hãy sống trách nhiệm với chính mình

Tổng thống Obama trò chuyện với trẻ em Mỹ - Ảnh: LA Times

TT - Ngày 8-9, sau ngày nghỉ lễ Lao động, các học sinh Mỹ trở lại trường học bắt đầu năm học mới. Nhân dịp này, tại một ngôi trường ở Arlington, bang Virginia, Tổng thống Barack Obama đã đọc lá thư gửi học sinh trên khắp nước Mỹ.

Trong đó có những đoạn như sau:

“Chúng ta có thể có những người thầy tận tâm nhất, những bậc cha mẹ chu đáo nhất, những ngôi trường tốt nhất thế giới - nhưng những điều ấy sẽ chẳng nghĩa lý gì nếu tất cả các em không hoàn thành trách nhiệm của mình. Không đến trường, không lắng nghe thầy cô, cha mẹ, ông bà và những người lớn khác, không chăm chỉ học tập để thành công.

...Có thể các em là người viết giỏi - thậm chí đủ giỏi để viết sách hay viết bài cho báo - nhưng các em sẽ không thể biết về khả năng của mình nếu không viết bài trong giờ tiếng Anh. Các em có thể trở thành nhà phát minh hay nhà sáng tạo - hay thậm chí đủ giỏi để có thể làm ra chiếc iPhone đời mới hay các loại thuốc và văcxin mới - nhưng các em sẽ không thể làm được nếu không làm bài tập trong các giờ khoa học. Các em có thể trở thành thị trưởng, thượng nghị sĩ hay chánh án tòa tối cao, nhưng các em sẽ không biết mình có làm được không nếu không tham gia vào tổ chức hay trong đội tranh luận ở lớp.

...Thực tế, thành công là gian khổ. Các em sẽ không thích mọi môn học của mình. Các em sẽ không hoàn toàn hợp với mọi thầy cô. Không phải bài tập về nhà nào cũng gần gũi với cuộc sống hằng ngày hiện tại của các em. Và các em sẽ không nhất thiết thành công ngay trong mọi lần đầu tiên...

...Kể cả khi các em gặp khó khăn, kể cả khi nản lòng, kể cả khi cảm thấy như mọi người đã bỏ rơi mình - đừng bao giờ bỏ cuộc. Vì khi các em bỏ cuộc với bản thân mình, các em đang bỏ rơi chính đất nước mình".


Calendar




Trang web được xây dựng và phát triển bởi Trần Minh Tuấn
Giáo viên Trường THPT Bà Rịa-TP.Bà Rịa-BRVT